Cựu học sinh Trường Thiếu nhi Việt Nam Moskva “INTERNAT” vô cùng đau xót và bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn khi được tin Bác Võ Nguyên Giáp, Cha của bạn Võ Hồng Anh (người bạn Internat quá cố), vị Anh hùng Dân tộc, vị tướng lỗi lạc của nhân dân Việt Nam và thế giới đã qua đời. Chúng cháu xin được chia sẻ cùng Cô Hà (phu nhân Đại tướng), cháu Việt (cháu ngoại Đại tường - con trai bạn Võ Hồng Anh) và toàn thể gia quyến nỗi đau về sự mất mát to lớn này. Đây cũng là là tổn thất lớn lao của nhân dân Việt Nam và nhiều bạn bè quốc tế.
Bác Giáp với Trường TNVN Moskva:
Trước kia bác Giáp rất quan tâm đến trường TNVN Moskva. Mỗi lần có dịp đi qua bác đều ghé thăm trường chúng tôi. Sau này khi về nước đôi khi chúng tôi cũng có dịp được đến nhà thăm bác.
Đây là ảnh bác Giáp bất ngờ đến thăm chúng tôi ở trại hè (1958) nên mọi người không kịp có mặt đầy đủ ngay.
Chúng tôi chụp ảnh với bác Giáp, cô Hà và bạn Hồng Anh tại nhà 30 Hoàng Diệu.
Chúc thọ bác Giáp tại nhà bác.
Chúng cháu không bao giờ quên những hình ảnh và ấn tượng sâu đậm bác đã để lại trong lòng chúng cháu.
Vĩnh biệt Bác!
* * *
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã qua đời
Đại tướng đầu tiên, Tổng tư lệnh tối cao Quân đội nhân dân Việt Nam Võ Nguyên Giáp qua đời lúc 18h chiều 4/10 tại Viện Quân y 108 khi ông vừa qua tuổi 103.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp tại Sở chỉ huy Chiến dịch Biên giới (1950).
Đại tướng qua đời vào 18h9 phút chiều 4/10, tại bệnh viện nơi ông nằm điều trị từ năm 2009. Mới cách đây hơn một tháng, Đại tướng bước qua tuổi 103.
Trong Kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Đại tướng trực tiếp chỉ huy nhiều chiến dịch lớn. Đặc biệt tên tuổi ông gắn liền với chiến thắng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954) và Hồ Chí Minh (1975) - những bước ngoặt trong lịch sử dân tộc. Sinh ngày 25/8/1911 tại huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vốn là một thầy giáo dạy sử đã trở thành "người anh cả" của lực lượng vũ trang Việt Nam, là Đại tướng đầu tiên, Tổng tư lệnh tối cao của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Sau khi đất nước thống nhất, Đại tướng là Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng (đến 1980); Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (1981 - 1991). Ông cũng là đại biểu Quốc hội các khoá I - VII.
Các chuyên gia, nhà nghiên cứu lịch sử, quân sự trong nước và thế giới đều đánh giá Đại tướng là người toàn tài kể cả trong thời chiến lẫn thời bình. Ông đặc biệt được người dân Việt Nam nhiều thế hệ yêu mến, kính trọng bởi tài năng cũng như sự gần gũi, bình dị trong cuộc sống.
Trong Bách khoa toàn thư của Mỹ và của nhiều nước, tên và hình ảnh của ông được ghi lại như một trong những vĩ nhân quân sự hiển hách nhất.
Theo VNE
Quốc tế nói về vị tướng lỗi lạc
Hãng thông tấn AP (Mỹ) bình luận: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người đã khiến Pháp phải ra khỏi Việt Nam, giải phóng đất nước khỏi ách thực dân”.
Tướng Giáp là một vị anh hùng quốc gia, vị tướng huyền thoại là một “Napoleon của Việt Nam”. Ông đã lãnh đạo đội quân du kích đi dép cao su, kéo pháo lên núi để bao vây và đè bẹp quân đội Pháp tại cứ điểm Điện Biên Phủ năm 1954 - hãng tin AP viết.
AP bình luận tiếp: Chiến thắng vẻ vang lẫy lừng này hiện vẫn còn được nghiên cứu tại các trường quân sự, không chỉ giúp Việt Nam giành độc lập mà còn đẩy nhanh sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân trên toàn Đông Dương và xa hơn nữa.
AP cũng dẫn lại lời vị tướng huyền thoại về cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ, khi trả lời phỏng vấn của hãng năm 2005, nhân dịp kỷ niệm 30 năm thống nhất đất nước: "Không có cuộc chiến tranh giải phóng quốc gia nào lại khốc liệt và tổn thất như cuộc chiến tranh này".
"Nhưng chúng tôi vẫn chiến đấu bởi với Việt Nam, không có gì quý hơn độc lập tự do”, ông nhắc lại câu nói nổi tiếng của Hồ Chủ tịch.
Hãng BBC của Anh thì khẳng định với việc đánh thắng quân Pháp tại Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trở thành vị chỉ huy quân đội đầu tiên ở châu Á đánh bại một cường quốc phương Tây.
Ông cũng là người giám sát cuộc tổng tấn công nổi dậy mùa xuân năm 1968 chống lại lực lượng Mỹ, và thường được coi là một trong những nhân tố dẫn tới sự rút lui của Mỹ khỏi Việt Nam.
Tướng Giáp đã xuất bản một số tác phẩm nói về chiến lược quân sự.
Còn trang MSN dẫn nguồn từ hãng tin Pháp bình luận, Tướng Giáp là vị anh hùng độc lập của Việt Nam, người đã dùng các chiến thuật du kích để đánh bại cả quân đội Pháp và Mỹ.
Chiến thuật đánh du kích của Tướng Giáp đã truyền cảm hứng cho những cuộc cách mạng, đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân trên toàn thế giới.
Thái An tổng hợp
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước khi làm tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam đã từng là một người thầy giáo, một chính trị gia nổi tiếng và còn là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25/8/1911 ở làng làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, trong một gia đình nhà Nho. Năm 1930, khi mới 19 tuổi, trong sự kiện Xô Viết Nghệ Tĩnh, Võ Nguyên Giáp bị bắt và giam ở nhà lao Thừa Phủ (Huế).
Ngày 22/12/1944, tại Cao Bằng, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân làm lễ thành lập với 34 chiến sĩ, do Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy.
Ngày 26/8/1945, Tư lệnh Việt Nam Giải phóng quân Võ Nguyên Giáp duyệt binh lần đầu ở Hà Nội sau khi giành được chính quyền.
Ngày 2/9/1946, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tròn một năm thành lập. Bí thư Tổng Quân ủy Võ Nguyên Giáp tuyên đọc Nhật lệnh của Quân ủy hội.
Năm 1948, ở tuổi 37, Võ Nguyên Giáp được phong quân hàm Đại tướng và trở thành Đại tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Trong ảnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm việc tại chiến khu Việt Bắc năm 1949.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp tại Sở chỉ huy Chiến dịch Biên giới (1950).
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thị sát thị xã Cao Bằng vừa được giải phóng (1950).
Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Hoàng thân Souphanouvong bàn kế hoạch mở Chiến dịch Thượng Lào 1953, tạo bước ngoặt quan trọng đưa cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân hai nước Việt Lào đi đến thắng lợi.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp bàn kế hoạch tác chiến chiến dịch Điện Biên Phủ (1954). Trước khi đại tướng lên đường, Chủ tịch hỏi: "Chú đi xa như vậy chỉ đạo chiến trường có gì trở ngại?", đại tướng trả lời: "Thưa bác! Chỉ trở ngại là ở xa, khi có vấn đề quan trọng khó xin ý kiến của Bác và Bộ Chính trị". Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Tướng quân tại ngoại, trao cho chú toàn quyền quyết định rồi báo cáo sau". Khi chia tay, Chủ tịch chỉ thị: "Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh. Không chắc thắng không đánh". Cuối cùng, Việt Nam đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và trung tướng Song Hào, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam quan sát Đại đội 6, Trung đoàn 233, Đoàn Cao xạ Đống Đa huấn luyện (Tết Mậu Thân 1968).
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Bộ Tổng tham mưu, Bộ Tư lệnh miền Nam và Tư lệnh trưởng Bộ đội Trường Sơn Đồng Sĩ Nguyên bàn kế hoạch tác chiến, chuẩn bị chiến dịch Đường 9 - Nam Lào tại một cánh rừng Trường Sơn năm 1971.
Đại tướng duyệt phương án đánh B52 của Mỹ tập kích vào Hà Nội năm 1972 tại Sở Chỉ huy Quân chủng Phòng không - Không quân.
Trong chuyến kiểm tra vùng biển Quảng Ninh sau chiến dịch phá thủy lôi năm 1973, đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: "Quyết tâm bảo vệ toàn vẹn vùng biển, hải đảo của tổ quốc".
Đại tướng nghiên cứu bản đồ tuyến vận tải chiến lược của bộ đội Trường Sơn trên đường đi thăm đoàn 559 (tháng 3/1973).
Tháng 12/1974-1/1975, Bộ Chính trị quyết định Tổng tiến công giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Đại tướng Võ Nguyên Giáp thuộc tổ thường trực Bộ Tổng tham mưu trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975. Trong bức điện mật ngày 7/4/1975 gửi các đoàn quân đang tiến về Sài Gòn, đại tướng viết: "...Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa...".
Quân ủy Trung ương đang theo dõi diễn biến Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. Trong ảnh, từ trái sang phải: đại tá Lê Hữu Đức (Cục trưởng Cục tác chiến), thượng tướng Hoàng Văn Thái (Phó tổng tham mưu), thiếu tướng Vũ Xuân Chiêm (Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần), thượng tướng Song Hào (Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị), đại tướng Võ Nguyên Giáp (Tổng tư lệnh, Bộ trưởng Quốc phòng, Bí thư Quân ủy Trung ương), trung tướng Lê Quang Đạo (Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị).
Năm 2010, cán bộ và nhân dân làng Thượng, xã Bảo Lý, huyện Phú Bình (Thái Nguyên) tặng đại tướng bài thơ:
"Đại tướng anh hùng dễ mấy ai
Đức độ, anh, uy, trí, dũng, tài
Thắng hai đế quốc, bách niên thọ
Hoàn cầu có một, không có hai".
“Võ Nguyên Giáp là một trong 21 vị danh tướng của thế giới trong 25 thế kỷ qua, từ thời Alexandre Đại đế đến Hannibal rồi đến thời cận hiện đại với Kutudôp, Giucôp..., những người đã có chiến công tạo nên bước ngoặt của nghệ thuật chiến tranh”.
The Diplomat - Tạp chí chuyên về chính trị châu Á - đánh giá trận Điện Biên Phủ do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy là "một chiến thắng thay đổi lịch sử", "cổ vũ cho các cuộc đấu tranh chống thực dân trên khắp hành tinh".
Sau khi điểm lại những sự kiện quân sự quan trọng gắn với tên tuổi Đại tướng Võ Nguyên Giáp, The Diplomat cho biết, nhiều năm sau này, các nhà lãnh đạo khắp thế giới, khi thăm Việt Nam, vẫn xếp hàng để gặp ông, trong đó có Tổng thống Brazil Lula da Silva, Tổng thống Venezuela Hugo Chavez, nhà lãnh đạo Nam Phi Thabo Mbeki.
Ducan Townson, tác giả cuốn Những vị tướng lừng danh xuất bản ở London, đã viết: “Võ Nguyên Giáp là một trong 21 vị danh tướng của thế giới trong 25 thế kỷ qua, từ thời Alexandre Đại đế đến Hannibal rồi đến thời cận hiện đại với Kutudôp, Giucôp..., những người đã có chiến công tạo nên bước ngoặt của nghệ thuật chiến tranh”.
Tân bách khoa toàn thư của nước Anh (xuất bản năm 1985) trong chuyên mục giới thiệu các danh tướng thế giới từ thời cổ đại cho đến ngày nay, cùng với Hannibal, Kutudôp, Napoléon... đã giới thiệu hai danh tướng Việt Nam là Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn (tập 10, tr.88) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp (tập 10, tr. 493-494).
Tướng Peter Mac Donald, nhà nghiên cứu khoa học lịch sử quân sự người Anh, đánh giá: “Từ năm 1944-1975, cuộc đời của Võ Nguyên Giáp gắn liền với chiến đấu và chiến thắng, khiến ông trở thành một trong những thống soái lớn của mọi thời đại. Với 30 năm làm tổng tư lệnh và gần 50 năm tham gia chính sự ở cấp cao nhất, ông tỏ ra là người có phẩm chất phi thường trong mọi lĩnh vực của chiến tranh. Khó có vị tướng nào có thể so sánh với ông trong việc kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính qui. Sự kết hợp đó xưa nay chưa từng có”.
G.Bonnet, trong Từ điển bách khoa toàn thư Pháp, cũng đã viết: “Là người tổ chức quân đội nhân dân, ông Giáp đã thực hiện được một sự tổng hợp độc đáo các học thuyết quân sự mácxít kết hợp nhuần nhuyễn với truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc, vận dụng khôn khéo vào những điều kiện của một quốc gia có đất đai tương đối hẹp”.
Nhà sử học quân sự Mỹ Cecil Curay, trong tác phẩm Chiến thắng bằng mọi giá - Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thiên tài của Việt Nam, sau khi điểm qua quá trình chỉ huy quân đội của vị tổng tư lệnh, đã nhận xét: “Trong suốt thời gian đó, ông không chỉ trở thành một huyền thoại mà có lẽ còn trở thành một thiên tài quân sự lớn nhất của thế kỷ 20 và một trong những thiên tài quân sự lớn nhất của tất cả các thời đại...
Ông Giáp là vị tướng duy nhất trong lịch sử hiện đại tiến hành chiến đấu chống kẻ thù từ thế vô cùng yếu, thiếu trang bị, thiếu nguồn tài chính, dù mới đầu trong tay chưa có quân, vậy mà vẫn liên tiếp đánh bại tàn quân của đế chế Nhật Bản, quân đội Pháp (một đế chế thực dân số 2) và quân đội Mỹ (một trong hai siêu cường thế giới)... Ông Giáp là chuyên gia hiện hữu vĩ đại nhất về chiến tranh nhân dân..., là một vị tướng hậu cần vĩ đại của mọi thời đại”.
Bách khoa toàn thư quân sự Bộ Quốc phòng Mỹ (xuất bản năm 1993) viết: “Tài thao lược của tướng Giáp về chiến lược, chiến thuật và hậu cần được kết hợp nhuần nhuyễn với chính trị và ngoại giao... Sức mạnh hơn hẳn về kinh tế, tính ưu việt về công nghệ cùng với sức mạnh áp đảo về quân sự và hỏa lực khổng lồ của các quốc gia phương Tây đã phải khuất phục trước tài thao lược của một vị tướng từng một thời là thầy giáo dạy sử”.
Trong số ra ngày 9/2/1968, tạp chí Time của Mỹ đã đăng bài viết dài, kèm theo bức ảnh vẽ trang bìa chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp với bài viết với tít lớn nổi bật, nguyên văn tiếng Anh North VietNam: The Red Napoleon, tác giả bài viết đã dành một lượng lớn thông tin nói về Tướng Võ Nguyên Giáp, học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà quân sự kiệt suất kèm theo câu nói nổi tiếng của ông những năm chiến tranh: "Skike to win, Skike Only when Success is Certain, if it is not, then dont' strike". (Tạm dịch: Đánh là thắng, chỉ đánh khi chắc thắng, nếu không thắng thì không đánh).
Mệnh lệnh nổi tiếng nhất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là "Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút từng giờ, xốc tới mặt trận giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước".
Liễu Phạm/GDVN
Võ Nguyên Giáp, ngọn hải đăng sáng ngời
Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn như ngọn hải đăng của những người trí thức trước những vấn đề trọng đại của đất nước. Ông đã sống trọn cuộc đời bằng nhân cách của một người trí thức biết gánh vác vận mệnh của đất nước trong cả thời chiến lẫn thời bình.
Thế kỷ XX, lịch sử Việt Nam đã trải qua hai cuộc chiến tranh mà ở đó, lý tưởng độc lập và khát vọng tự do như là nền tảng của dân chủ và nhân quyền đã trở thành sợi dây gắn kết sức mạnh tinh thần của hàng triệu triệu con người. Đó là cuộc trường chinh hơn ba thập niên giành độc lập, tự do và thống nhất đất nước trước hai đế quốc lớn là đế quốc Pháp và đế quốc Mỹ. Gắn liền với giai đoạn lịch sử này là tên tuổi của một vị tướng đặc biệt với trí tuệ rộng mở và trái tim nhân ái. Đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người đã đến với cuộc chiến bằng khát khao độc lập của một trí thức trong giao thời lịch sử và ra khỏi cuộc chiến bằng nhân cách của một người trí thức biết gánh vác vận mệnh xây dựng, phát triển đất nước trong thời bình.
Sứ mệnh cách mạng trong dòng máu trí thức
Võ Nguyên Giáp có tố chất của một nhà trí thức lớn, nhìn vào con đường học vấn của ông, chúng ta có thể thấy rằng nếu không trở thành một đại tướng, có lẽ ông đã trở thành một học giả uyên bác. Sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo có truyền thống hiếu học và nề nếp gia phong, ngay từ nhỏ, Võ Nguyên Giáp đã được thụ hưởng một nền giáo dục mang hai tư tưởng khác biệt: tư tưởng lễ giáo của truyền thống phương Đông và những tri thức khoa học cùng những tư duy tiến bộ của phương Tây. Năm 14 tuổi, ông tốt nghiệp tiểu học đỗ đầu toàn tỉnh và là cậu tân khoa trẻ nhất. Năm 15 tuổi, ông đỗ thứ nhì vào trường quốc học Huế. Ngay từ thời điểm đó, trong con người Võ Nguyên Giáp đã hình thành những thiên hướng cách mạng của một công dân yêu nước, ông không chỉ là một học sinh đơn thuần tiếp thu tri thức, mà đã là một con người kiếm tìm lý tưởng. Chính vì vậy, dù ở độ tuổi 15, Võ Nguyên Giáp đã tìm thấy trong những nhà cách mạng đương thời như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh một sự đồng cảm và gần gũi. Ngay từ những năm tháng đó, Phan Bội Châu đã có một tình cảm đặc biệt với cậu thiếu niên Võ Nguyên Giáp. Cụ có mấy chục bộ sách cổ, kim mà khi mất đi cụ định để lại cho cậu Giáp .
Tuy nhiên, cũng chính vì thiên hướng trên mà con đường học vấn của Võ Nguyên Giáp đã sớm gặp trắc trở. Năm 1927 lần đầu tiên ông cầm đầu một cuộc bãi khóa để bảo vệ người đồng môn Nguyễn Chí Diểu trước sự áp đặt phi lý trong nhà trường đế quốc. Kết quả là ông bị đuổi học. Khi đó, Võ Nguyên Giáp mới 16 tuổi.
Sự sớm định hình tố chất trong con người Võ Nguyên Giáp đã quyết định hướng đi của cuộc đời ông sau này. Nếu muốn, ông đã có thể chọn một con đường trải đầy nhung lụa, với một suất học bổng tiến sĩ ở Pháp do giáo sư Gaétan Pirou, thành viên Hội đồng Giám khảo Đại học Đông Dương đề nghị cấp sau khi nghe lời nhận xét về ông: “Anh ta thông minh, sáng láng và rất can đảm. Một cái đầu bốc lửa đã có vấn đề vướng mắc với chính quyền.” Tuy nhiên chỉ sau một ngày suy nghĩ, Võ Nguyên Giáp đã từ chối với lý do “không thể là con người ích kỷ, bỏ lại bạn bè trong nước”. Mà bạn bè hay nhưng người gắn bó với Võ Nguyên Giáp thời bấy giờ là những ai? Đó là Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Hoàng Hữu Nam…, những ngọn lửa đầu tiên của cuộc cách mạng Dân tộc - Dân chủ sau này. Câu nói của ông, có thể hiểu rộng ra rằng ông đã không nghĩ cho riêng mình. Cuộc sống của ông khi đó, dù nói ra hay không, cũng đã dâng hiến cho lý tưởng cách mạng vì dân tộc. Và lý tưởng đó đã mãi mãi trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong từng hành động, từng suy nghĩ của ông. Năm 1928, lần đầu tiên ông được tiếp xúc với những bài viết mang tư tưởng cách mạng của Hồ Chí Minh. Đó là bài phát biểu tại cuộc họp của Liên đoàn các dân tộc bị áp bức trên thế giới tại Bruxelles (Bỉ). Sức lôi cuốn của những tư tưởng sống động đã khiến ông xúc động đến mừng rỡ. Có thể nói, khi lý tưởng tìm thấy con đường và những người đồng hành cũng là khi niềm tin sẽ được thăng hoa trong mỗi con người. Ngay trong năm đó; Võ Nguyên Giáp đã tham gia Đảng Tân Việt và từ đây, người thanh niên Võ Nguyên Giáp đã tích cực thúc đẩy quá trình cải tổ của đảng Tân Việt cho đến khi hợp nhất vào Đông Dương Cộng sản Liên đoàn.
Khó có thể kể hết các hoạt động của ông để thực hiện lý tưởng cách mạng của mình. Chỉ biết rằng ở người thanh niên ấy, cách mạng đã trở thành sứ mệnh tự thân của người trí thức. Là nhà giáo, ông đã âm thầm truyền thụ tinh thần yêu nước, tinh thần cách mạng cho các lớp học sinh. Là nhà báo, ông đấu tranh với ách đô hộ bằng sự vạch trần bản chất bất công và vô nhân của chế độ, đồng thời tuyên truyền tinh thần dân chủ và con đường đấu tranh vì tinh thần đó. Là một người trí thức, ông luôn trau dồi, học tập để vươn xa trên con đường của hiểu biết vì hơn ai hết, ông hiểu rằng đó chính là nền tảng của cách mạng. Nhà sử học Dương Trung Quốc, từng là một người đồng nghiệp - người học trò của Đại tướng đã đánh giá về giai đoạn này: “Có thể nói thắng lợi của cách mạng Việt Nam với mục tiêu giải phóng dân tộc bao gồm việc giành độc lập dân tộc, và giữ vững nền độc lập ấy trong suốt ba thập kỷ chiến tranh phụ thuộc một phần lớn vào tinh thần “uy vũ bất năng khuất” của một thế hệ vàng. Dù trưởng thành trong nền giáo dục thực dân, nhưng họ vẫn giữ được những giá trị của nền văn hóa dân tộc, tiêu biểu là nền Quốc học. Bên cạnh đó, họ đã được tiếp thu một nền học vấn với những tư tưởng văn hóa phương Tây rất cơ bản mặc dù trong bối cảnh nền giáo dục của một nước thuộc địa luôn bị thực dân áp bức, đồng hóa. Thứ ba, đó là thế hệ khao khát độc lập tự do đến mãnh liệt và ba điều đó hòa trộn với nhau rồi được quy tụ dưới lá cờ cách mạng do Hồ Chí Minh đứng đầu. Võ Nguyên Giáp là một trong những tinh hoa đầu tiên trong thế hệ vàng đó.”
Vị Đại tướng tinh thần
Cách đây một vài năm, đại tướng Võ Nguyên Giáp có một người khách xin được vào thăm. Đó là một cựu chiến binh già lặn lội từ Quảng Bình ra Hà Nội. Trong tình cảm không có sự phân biệt giữa cấp hàm mà chỉ là những người lính vào sinh ra tử cho cùng một lý tưởng. Khi Đại tướng xúc động ôm người cựu chiến binh, chỉ có một câu nói giản dị được thốt lên: “Báo cáo anh, em đã hoàn thành nhiệm vụ!” Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã không chỉ là một vị chỉ huy trực tiếp mà quan trọng hơn, trong tâm tưởng của những người lính, ông chính là một lãnh tụ tinh thần.
Trở lại thời điểm năm 1944, cuộc đấu tranh cách mạng đòi hỏi phải chuyển từ hình thức chính trị tiến lên hình thức quân sự, Bác Hồ đã quyết định phải tổ chức một đội vũ trang tập trung để hoạt động. Bác hỏi: “Việc này chú Văn phụ trách, chú Văn có làm được không?” Ông đáp: “Có thể được”. Và chính thức từ giây phút đó, cái tên Võ Nguyên Giáp đã gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là tại sao Bác Hồ lại chọn ông, một người trí thức đảm nhiệm chức Tổng tư lệnh Quân đội mà không phải là những người học chuyên về quân sự? Nhà sử học Dương Trung Quốc đã có một cách lý giải riêng về sự lựa chọn này: “Cụ Hồ quan niệm làm chính trị là phải thay đổi nhận thức con người, cho nên mục tiêu chính trị cần phải được đặt lên hàng đầu, còn vũ khí chỉ là phương tiện. Tại sao khi thành lập đơn vị quân sự đầu tiên của Việt Nam, Bác gọi là “đội Tuyên truyền Giải phóng quân”? Câu nói của Bác khi giao nhiệm vụ cho ông Giáp là cứ tuyên truyền rồi nhân dân sẽ tìm được vũ khí cho chúng ta. Ông Giáp có đủ phẩm chất để thực hiện nhiệm vụ trên. Bởi ít nhất ông Giáp là một người được đào tạo hết sức chính quy trong bộ máy giáo dục và ông tiếp cận với những tri thức rất cơ bản để tạo nên một nền tảng văn hóa vững chắc. Ông học luật và lại là thầy giáo dạy sử. Mà thầy giáo trong xã hội cũ thì rất có uy tín trong việc tuyên truyền, tập hợp lực lượng”.
Theo lời kể của nhà sử học Dương Trung Quốc, thì có rất nhiều người đã hỏi Đại tướng là ông được đào tạo ở trường quân sự nào? Ông trả lời rằng trường học đầu tiên của ông là trường học trí thức. Võ Nguyên Giáp là người nghiên cứu rất nhiều về lịch sử nói chung, trong đó có lịch sử chiến tranh và một trong những nhân vật ông để tâm nghiên cứu nhiều nhất là Napoléon. Ông nghiên cứu Napoléon như một nhân vật huyền thoại của chiến tranh nhưng đồng thời cũng là mặt trái của chiến tranh. Nó giống như thứ vũ khí có thể tạo dựng nền hòa bình, sự tiến bộ nhưng cũng có thể gây ra những cuộc xung đột đẫm máu. Tất cả điều đó cho thấy đặc thù của Võ Nguyên Giáp là một vị tướng dùng binh bằng bản lĩnh trí tuệ. Trong những hồi ký, Đại tướng nhắc đến thói quen thường xuyên lục lại trong trí nhớ của mình những bài học thành công, thất bại của lịch sử mỗi khi ông đứng trước một khó khăn, thử thách.
Trong mấy chục năm cuộc đời, ông đã chỉ huy nhiều trận đánh nhiều chiến dịch lớn. Thế giới đã ca tụng ông trong ánh hào quang của một vị tướng với tài chỉ huy và hoạch định chiến lược. Nhưng chiến thắng đôi khi đến từ một nơi sâu thẳm hơn. Đó là một trí tuệ mẫn tiệp và trái tim nhân ái. Năm 1945, sau ngày Nhật đảo chính Pháp, một số người Pháp đã đến với Việt Minh ở khu giải phóng. Họ đã tiếp xúc với “anh Văn” (tức đại tướng Võ Nguyên Giáp). Maurice Bernard, một giáo viên đã viết một bức thư dài gửi những người bạn Pháp ờ Hà Nội, trong đó có đoạn: "Không bao giờ chúng tôi quên được cái đêm đã hội tụ chúng tôi lại với ông Văn, người chỉ huy mà đến nay chúng tôi thấy là người có uy tín nhất, có kinh nghiệm rộng lớn nhất, đã nói với chúng tôi, bằng những câu giản dị và hùng hồn kiên quyết, những cố gắng lâu dài mà chưa đạt đích của Việt Minh, để bắt liên lạc được với người Pháp và làm cho người Pháp hiểu. Bằng tất cả trái tim, chúng tôi đáp lại lời kêu gọi của ông và chúng tôi muốn rằng toàn thể đồng bào người Pháp cùng chia sẻ tình cảm ấy của chúng tôi.
Cho đến giờ những giọt nước mắt của Trung tướng Phạm Hồng Cư - nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam vẫn rưng rưng khi nhắc đến tình cảm trong con người đại tướng. Đối với ông, Đại tướng là một người thủ tướng chỉ huy bằng tấm lòng của một con người nhân ái. Theo lời ông kể, chiến dịch Quảng Trị đã nổ ra khi Đại tướng đi chữa bệnh. 81 ngày đêm, mỗi ngày đêm lại có một đại đội hy sinh. Đó không phải là cách đánh mà đại tướng đã vạch ra. Cho đến bốn giờ sáng ngày 17/9/1972, một ngày sau khi quân ta rút lui khỏi thành cổ, Đại tướng còn điện trực tuyến hỏi tác chiến mặt trận: “Tôi có thông tin trong thành cổ còn sót lại chín chiến sĩ do ở hầm xa nhau chưa nhận được lệnh rút, còn đang chiến đấu. Cho thẩm tra ngay!” Một Đại tướng đặt sinh mệnh từng con người lên trên cuộc chiến. Đó không đơn thuần là quân sự, là chiến tranh. Đó là một khát khao dài rộng và sâu sắc hơn một chiến thắng, dù chiến thắng đó có vĩ đại đến bao nhiêu. Hình như trong con người ông, nền tảng của một trí thức yêu nước và lý tưởng cách mạng vì mỗi con người Việt Nam luôn luôn là mục đích cao nhất. Chiến tranh, trong tất cả sự khốc liệt của nói chỉ có ý nghĩa khi mỗi sự hy sinh đều hướng đến lý tưởng vì cuộc sống hạnh phúc cho con người. Vì thế, một cuộc chiến không quan trọng ở chiến thắng, mà quan trọng ở cách chiến thắng và mục đích của chiến thắng. Chỉ một người dám hy sinh cho lý tưởng mới hiểu được những người lính đang ngã xuống đáng quý biết bao để mỗi trận chiến là mỗi bậc thang vươn đến xã hội dân chủ và công bằng.
Thượng tướng Hoàng Minh Thảo đã viết: “Đồng chí Võ Nguyên Giáp luôn luôn ý thức được rất sâu sắc rằng: người chỉ huy các cấp nói chung, nhất là Tổng tư lệnh phải có trách nhiệm với từng vết thương và từng giọt máu của mỗi người lính. Tôi biết rõ đồng chí Tổng tư lệnh nhiều đêm thao thức, nước mắt ướt đầm, vì được tin một chiến dịch nào đó máu chiến sĩ đổ quá nhiều, mà chiến thắng thì chưa tương xứng.”
Trí tuệ tâm huyết giữa thời bình
Có lẽ phẩm hàm Đại tướng và tính huyền thoại của chiến tranh đã khiến con người trí thức trong ông phần nào ít được nhìn nhận và đánh giá. Trên thế giới cũng như ở trong ước, nhắc đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nhắc đến Điện Biên Phủ, đến quân sự, đến chiến tranh. Nhưng ít ai biết ngườí thức ấy đã đến với chiến tranh thế nào và càng ít người người trí thức ấy đã ra khỏi chiến tranh như thế nào!
Năm 1977, hai năm sau khi thống nhất đất nước, theo sự phân công của Đảng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp giã từ chức vụ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã được Hồ Chủ tịch ủy nhiệm từ năm 1945 để nhận công tác ở cương vị mới: Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực khoa học – kĩ thuật. Bao nhiêu năm cầm quân đánh giặc, liệu nền tảng trí thức trong ông có bị phai nhạt ít nhiều? Tư duy ấy có bị chuyện thắng thua chi phối mà quên mất chiến thắng chỉ có ý nghĩa khi xây dựng được những nền tảng tiến bộ cho đời sống nhân dân? Có thể nói, bản lĩnh của một trí thức lớn đã được khẳng định đầy thuyết phục qua thử thách của Đảng và Chính phủ. Tuy những hạn chế của thời đại đã khiến nhiều chiến lược kinh tế của ông không thể thành hiện thực nhưng cho đến hôm nay, những tư duy của ông vẫn khiến chúng ta phải kính trọng về hàm lượng trí tuệ và con mắt chiến lược trong đó. Từ những năm 1978, khi tư duy kinh tế thời chiến vẫn còn ngự trị trong toàn xã hội, ông đã nhìn thấy vấn đề “đẩy mạnh cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp nước ta”. Đại tướng đặc biệt nhấn mạnh đến mối quan hệ tổng hòa của các yếu tố đất - nước - rừng - biển trong việc giữ gìn hệ sinh thái và phát triển lâu dài. Ông viết: “Nước ta nằm trên bờ biển Thái Bình Dương, cho nên đất, nước, rừng, biển đều có mối liên hệ qua lại và tác động lẫn nhau. Có thể nói rằng: rừng và biển có tầm quan trọng rất to lớn không những về mặt tiềm năng các sản phẩm quý giá có thể cung cấp cho xã hội mà còn có vai trò giữ gìn môi trường và cân bằng sinh thái tốt nhất đối với toàn bộ đất đai nước ta, đối với việc phát triển các ngành kinh tế quốc dân trong cả nước. Trong một đất nước có bờ biển dài hơn 3000 km với 80% dân số là nông dân, tư duy ấy không chỉ đảm bảo sự phát triển bền vững cho nền kinh tế, mà còn đảm bảo cho cuộc sống lâu dài của mỗi người dân. Giờ đây, những suy nghĩ từ cách đây hơn 30 năm ấy mới bắt đầu đi vào cuộc sống…
Nếu trong chiến tranh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nổi tiếng với khả năng nhìn thấy điểm yếu và tấn công điểm yếu của kẻ địch thì trong thời bình, người trí thức ấy lại tìm ra những thế mạnh nổi trội của nền kinh tế. Ngoài chiến lược về nông nghiệp, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn đề xuất một chiến lược về Kinh tế biển và Khoa học kỹ thuật về biển .Trong đó, việc mở đường ra biển, làm ăn kinh tế biển được kết hợp chặt chẽ với quốc phòng. Mục đích lâu dài là chuyển đổi cơ cấu kinh tế ven biển thành miền công nghiệp thủy sản trù phú. Cái nhìn ấy cũng đã cách đây hơn 30 năm và giờ đây chúng ta cũng đang đi những bước đầu tiên về phía biển…
Ngay từ năm 1985, Đại tướng đưa ra những kiến nghị sâu sắc về việc đổi mới quản lý trong khoa học và giáo dục, trong đó Đại tướng nhấn mạnh đến việc phải có chế độ trả công cho lao động khoa học tương xứng, Chấm dứt việc thang lương của thầy cô giáo, kỹ sư… lại thấp hơn cả thu nhập của thầy bói, thầy cúng. Đòi hỏi phải xây dựng một môi trường thật sự dân chủ đối với tư duy khoa học, trong đó việc tôn trọng trí thức, khuyến khích nhân tài đã được Đại tướng dày công xây dựng trong một bản chiến lược công bố từ tháng 1 năm 1989, đến nay đã được gần 20 năm nhưng vẫn chưa bao giờ vơi đi tính thời sự.
Năm 1991, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghỉ hưu ở tuổi 80 và thôi giữ các chức vụ trong Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, tâm huyết và trí tuệ của ông thì chưa bao giờ ngừng nghỉ. Cả cuộc đời ông đã hiến mình cho lý tưởng cách mạng và lý tưởng đó đã trở thành máu thịt trong ông. Dù tuổi cao, sức yếu nhưng trong cuộc sống, ông vẫn đồng hành cùng từng trăn trở, từng suy tư của người dân Việt Nam. Giáo sư Hoàng Tụy kể lại: sáng kiến về bản kiến nghị chấn hưng giáo dục do nhóm 24 nhà khoa học- trí thức gửi lên Chính phủ năm 2004, chính là lấy ý tưởng từ bản kiến nghị của Đại tướng gửi đến nhóm. Sau khi công bố, bản kiến nghị đã có một tiếng vang lớn, và một số những thay đổi về phân ban, chức danh Phó giáo sư, giáo sư... đã được bộ Giáo dục thực hiện theo đề xuất của bản kiến nghị.
Dù đã bách niên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn như ngọn hải đăng của những người trí thức trước những vấn đề trọng đại của đất nước. Ông đã sống trọn cuộc đời bằng nhân cách của một người trí thức biết gánh vác vận mệnh của đất nước trong cả thời chiến lẫn thời bình.
Theo TẠP CHÍ TINH HOA
Tuổi 20, ông Võ Nguyên Giáp lần đầu tiên gặp Nguyễn Thị Quang Thái (em gái ruột của nhà cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai) trong chuyến tàu Vinh-Huế, gặp lại trong tù khi hoạt động cách mạng, rồi gặp lại tại Vinh để sau đó trở thành người yêu, người vợ.
Đại tướng nói chuyện với đồng bào Điện Biên năm 2004. Ảnh: Đoàn Hoài Trung.
LTS: Không chỉ là người lính, Trung tướng Nguyễn Hồng Cư, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, còn gần gũi với Đại tướng Võ Nguyên Giáp bởi duyên phận "anh em đồng hao" (phu nhân Đặng Bích Hà của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phu nhân của Trung tướng Nguyễn Hồng Cư là hai chị em ruột).
Trong những ký ức riêng rẽ về tuổi trẻ, đặc biệt những ký ức về cuộc sống riêng, Đại tướng đã chọn người anh em đồng hao của mình nhờ phác bút hồi ký. Năm 2004, Trung tướng Nguyễn Hồng Cư - với sự cộng tác đặc biệt của bà Đặng Bích Hà - đã cho ra mắt tập sách "Đại tướng Võ Nguyễn Giáp thời trẻ" được đông đảo bạn đọc mến mộ.
Một phần thú vị của cuốn sách này là những ký ức đặc biệt về "Tuổi 20 của Đại tướng", trong đó có chuyện kể về cuộc gặp gỡ định mệnh với bà Nguyễn Thị Quang Thái. Đó là người phụ nữ Võ Nguyên Giáp gặp lần đầu tiên trong chuyến tàu Vinh-Huế, gặp lại trong tù khi hoạt động cách mạng, rồi gặp lại Vinh và sau đó trở thành người yêu, người vợ đầu của ông - một người phụ nữ đặc biệt, ảnh hưởng đến quá trình hoạt động cách mạng của Võ Nguyên Giáp, cho đến khi bà qua đời vì bị giặc bắt cầm tù.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bà Nguyễn Thị Quang Thái thời trẻ. Ảnh tư liệu
Gặp gỡ
Cô tìm anh để xuất trình giấy giới thiệu sinh hoạt Đảng.
Lúc ấy, anh Giáp ở trong một ngôi nhà khuất nẻo trong thành nội Huế. Từ cửa Đông Ba đi vào, rẽ trái, ngôi nhà nép sát thành Huế. Trong nhà treo la liệt các bức trướng phúng viếng cụ Phan Chu Trinh. Cô đi ngay vào nhà. Một cô học sinh xinh xắn, giọng nói nhẹ nhàng, âm ấm. Cô có dáng mảnh dẻ, hai con mắt to rất sáng.
“Đôi mắt này mình đã gặp ở đâu nhỉ?”. Anh Giáp thầm nghĩ. Xem thư giới thiệu, anh nhận ra: Đây là Quang Thái, em chị Minh Khai.
Anh Giáp nhớ lại hôm ở cơ quan Liên tỉnh ủy Nghệ - Tĩnh, cán bộ phụ trách cơ quan nói: “Chị Minh Khai có cô em đẹp người, đẹp nết, học giỏi, hoạt động cách mạng hăng hái không kém gì chị”. Lần đầu tiên anh Giáp nghe nói đến Quang Thái. Nhưng lúc đó, anh không chú ý.
Hôm đi từ Hà Nội về, anh gặp hai cô nữ sinh trên chuyến xe lửa Vinh-Huế. Anh quen cô Cầm, em chị Hoàng Thị Hải Đường, và qua cô Cầm biết người cùng đi với Cầm là Quang Thái.
Hôm ấy, anh Giáp mặc âu phục may theo lối ký giả. Anh vui vẻ nói chuyện với hai cô.
Gặp Quang Thái lần đầu, anh Giáp có ngay mối cảm tình đặc biệt. Người thiếu nữ ấy có điều gì thu hút tâm hồn anh: dáng vẻ dịu hiền, điềm đạm nhưng không kém phần kiên định, khuôn mặt trái xoan, đặc biệt là hai con mắt rất thông minh. Chia tay, anh Giáp nhớ mãi hai con mắt ấy.
Hôm nay gặp lại, anh Giáp gần như sững sờ. “Đúng là con người ấy, người con gái gặp trên chuyến tàu” - anh thầm nghĩ.
Anh hỏi chuyện:
- Tình hình dạo này thế nào?
Quang Thái đáp:
- Ngoài ấy cũng bị khủng bố. Nhiều cơ sở tan vỡ. Những người tích cực chuyển sang Cộng sản.
Quang Thái vào Huế để đi học. Cô tìm bắt liên lạc với tổ chức để nhận công tác với đoàn thể. Anh Giáp giới thiệu Quang Thái với anh Lê Viết Lượng.
Anh Giáp biết là Quang Thái đã tham gia sinh hoạt Hội học sinh đỏ. Anh mong có dịp gặp lại.
Quang Thái vào học lớp Đệ nhất niên trường nữ học Đồng Khánh niên khóa 1929-1930. Quang Thái học giỏi, bài luôn luôn có điểm chín điểm mười về tất cả các môn học nhưng Quang Thái rất giản dị, kín đáo.
Nhiệm vụ của đoàn thể giao cho Thái là phát triển tổ “nữ sinh đỏ”. Tâm trí của Thái dồn vào việc học và hoạt động bí mật. Thái có đến gặp anh Giáp vài lần ở nơi ở mới của anh tại Đông Ba, nhưng về phía Thái chưa nảy nở tình yêu đáp lại. Người mà Thái ngày đêm thương nhớ là chị Minh Khai, lúc này đã từ biệt gia đình lên đường cứu nước.
Năm học 1930-1931 không yên lặng. Những cuộc bãi công của công nhân Bến Thủy, Trường Thi, những cuộc biểu tình của nông dân Nghệ Tĩnh, phong trào Xô viết dội vào trường. Học sinh chuyền tay nhau những tờ truyền đơn in thạch, giấu kín đem vào nhà xí đọc. Họ hào hứng góp tiền ủng hộ Nghệ Tĩnh đỏ.
Thực dân Pháp đàn áp. Xe hòm đen xông vào trường bắt nhiều học sinh chở lên xe đóng kín đưa đi. Quang Thái bị bắt cùng với chị Nga, chị Lài, chị Lý. Khi anh Giáp hoạt động bị bắt rồi bị tống giam vào nhà lao Thừa Phủ, đi ngang qua trại giam nữ, anh Giáp giật mình: Quang Thái!
Khi đó, trong tù, Quang Thái làm bài thơ, được lưu truyền khắp nhà lao:
Mười sáu xuân qua sống ở đời
Nhân tình nghĩ đến lệ đầy vơi
Trông phường đế quốc lòng ngao ngán
Thấy bạn cần lao dạ rối bời
Quyết chí hy sinh thây kệ chết
Đem lòng phấn đấu mặc đầu rơi
Ngọn cờ vô sản bao giờ phất
Chín suối hồn ta mỉm miệng cười.
Bài thơ khiến anh Giáp càng mến phục Quang Thái.
Tình yêu của họ nảy nở từ những lý tưởng chung về cách mạng..
Nguyễn Hồng Cư/VNN
Vô cùng thương tiếc Đại Tướng Võ Nguyên Giáp !
Trả lờiXóaDân tộc Việt Nam thực sự mất đi một người con ưu tú.
Quân đội Việt Nam, đất nước Việt Nam mất đi một vị tường giỏi.
Cám ơn Hoàn đã lược ghi lại những nét chính về cuộc đời và sự cống hiến vĩ đại của cụ VNG!
Cám ơn Hoàn đã sưu tầm một tư liệu và hình ảnh quý về Đại Tướng Võ Nguyên Giáp. Vẫn biết bác Giáp yếu từ lâu, tuổi cũng cao, nhưng khi nghe tin bác ra đi vĩnh viễn cả nước vẫn tiếc thương, hụt hẫng.
Trả lờiXóaCám ơn Hoàn đã đưa tin đầy đủ về bác Văn. Bao gờ trường ta tổ chức viếng đấy ? Chắc các bạn trường ta sẽ tham gia đông. Cám ơn. Chào !
Trả lờiXóaXin kính cẩn nghiêng mình trước con người có một không hai của lịch sử nhân loại. Chúng ta tự hào về tướng Giáp của chúng ta các anh chị nhỉ?
Trả lờiXóaCảm ơn Nguyệt Vũ đã vào đây cùng chia sẻ tình cảm của chúng ta với vị Đại tướng, người con ưu tú của dan tộc VN.
Trả lờiXóaXin đáng bài thơ cuả Nguyệt Vũ:
Trả lờiXóaNguyệt Vũ
Kính cẩn vĩnh biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Quảng Bình ơi, đâu chỉ là bão lũ
Tin sét ngang trời Người đã ra đi....
Đau mất Bác hơn ngàn lần bão quét
Xin kính cẩn vĩnh biệt Người – Đại tướng của lòng dân!
Hà nội hôm nay xám xịt một màu tang
Con nức nở viết bài thơ dâng hương Bác
Trăm triệu người Việt nam đang khóc
Chúng con mất vị Cha già - mất tướng Giáp oai phong.
Cả nước yêu thương Bác nghẹn lòng
Chúng con làm Quốc tang Người trên từng trang viết
Quá đau đớn để nói lời vĩnh biệt
Vị tướng toàn tài, đức độ một ông Tiên
Ngủ ngon Bác ơi, trong cõi Người Hiền
Cả dân tộc đồng lòng ru giấc Bác
Thêm một lần cả nước nhoà trong nước mắt
Giây phút bàng hoàng Người lặng lẽ ra đi.
Vẫn biết rằng sinh tử biệt ly
Hình bóng Người đã bao trùm sông núi
Tài đức của Người đã lừng danh thế giới
Trái tim Người đập từng phút vì dân.
Giờ phút này con chỉ ước mong
Được đi trong đoàn người đưa tiễn Bác
Con đã từng may mắn hơn bao nhiêu người khác
Được nắm bàn tay Người, dẫu chỉ phút giây thôi.
Dẫu mai đây vật đổi sao dời
Thế giới này vẫn vinh danh tướng Giáp
Giá trị đó ngàn đời không thể khác
Kể cả kẻ thù cũng ngưỡng mộ Người ơi!
Khí phách, Uy nghi, Tài, Đức rạng ngời
Hồn sen Việt rước Người về Tiên cảnh
Mấp máy môi con gọi Người – vị Thánh
Linh hồn người thành hào khí non sông!
ĐẠI đoàn kết nhân dân là sức mạnh.
Trả lờiXóaTƯỚNG và quân lớn mạnh bởi kết đoàn.
VÕ học trí cao anh tài cứu quốc.
NGUYÊN khí thịnh suy vận nước là đây.
GIÁP trận chiến công vang kháp toàn cầu.
KÍNH già thương trẻ sáng ngời đạo đức.
YÊU mến vì dân suốt đời tận tụy
TRƯỜNG kỳ kháng chiến sử ghi huyền thoại.
THỌ với non sông mãi lưu danh...
@[204092066437375:274: Đại Tướng Võ Nguyên Giáp] sẽ sống mãi trong lòng nhân dân Việt Nam.
Kính viếng ĐẠI TƯỚNG!
Trả lờiXóaĐẠI nghĩa xưa nay trừ cường bạo,
TƯỚNG tài trước vốn địch muôn quân.
VÕ công lừng lẫy, "Trung với Nước",
NGUYÊN vẹn tấm lòng, "Hiếu với Dân".
GIÁP trụ đơn sơ, manh áo vải,
THỌ tựa Nam Sơn, trải trăm mùa.
BÁCH chiến, bách thắng, khi Võ tướng.
NIÊN thuận, vũ hòa, lúc Văn quan./.
Một chút tấm lòng của cháu đối với Bác! Đỗ Bình Giang
Kính viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Trả lờiXóaHãy cho tôi kể về Người
Người đã thành vĩnh cửu với thời gian,
Người đã lấy nhân nghĩa thắng hung tàn
Lấy chí nhân thay cường bạo,
Người bước ra từ chiến tranh và giông bão
Với ngọn cờ bách thắng tung bay,
Những học giả và chính khách Đông Tây
Kẻ chiến bại, bạn bè và đồng chí
Ngợi ca Người là đại nhân, đại trí
Danh tướng thiên tài của thế kỷ hai mươi.
Rời cõi nhân gian Người còn để lại cho đời
Chữ Nhẫn
Chữ Nhẫn của Đạo Phật
Chữ Nhẫn làm tôi tuôn rơi nước mắt
Dòng lệ tràn
Từ sâu thẳm tâm can.
Cảm ơn bạn đã chia sẻ với chúng tôi bài thơ viếng Đại tướng rất hay và cảm động.
Xóa