Thứ Sáu, 4 tháng 4, 2014

* ĐẶNG MINH CHÂU KỂ VỀ CHA (NGUYÊN PTT ĐẶNG VIỆT CHÂU)

(Đây là Bài phát biểu của bạn Đặng Minh Châu, nguyên HS lớp 3 trường Thiếu Nhi VN Internat Moskva, về Cha tại buổi Tọa đàm khoa học "ĐỒNG CHÍ ĐẶNG VIỆT CHÂU - CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP CÁCH MẠNG". Tọa đàm diễn ra từ giữa tháng 3 nhưng nay bạn Châu mới gửi cho tôi bài phát biểu của bạn - LTH).



Các vị khách mời chụp ảnh lưu niệm cùng gia đình Bộ trưởng Đặng Việt Châu.
TRONG BÀI NÀY:
I. VÀI NÉT VỀ CUỘC TỌA ĐÀM ...

II. TIỂU SỬ NGUYÊN PTT, BT ĐẶNG VIỆT CHÂU
III. BÀI PHÁT BIỂU CỦA BÀ ĐẶNG MINH CHÂU

I. VÀI NÉT VỀ CUỘC TỌA ĐÀM
(PV) TÀI CHÍNH. Chiều ngày 14/3 tại Hà Nội, được sự ủy quyền của lãnh đạo Bộ Tài chính, Văn phòng Bộ và Tạp chí Tài chính đã tổ chức Tọa đàm “Đồng chí Đặng Việt Châu và sự nghiệp cách mạng”. Tham dự và chủ trì buổi tọa đàm có GS.,TS. Nguyễn Công Nghiệp - Thứ trưởng thường trực Bộ Tài chính, đồng chí Hồ Tế - nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính. Bên cạnh đó, còn có sự tham gia của các vị nguyên lãnh đạo Bộ Tài chính, đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước, các nhà nghiên cứu sử học, đại diện dòng họ Đặng và các cơ quan truyền thông báo chí trong và ngoài Ngành.

Tổng Biên tập Tạp chí Tài chính Phạm Thu Phong phát biểu tại buổi tọa đàm: "... Tự hào và ngưỡng mộ đồng chí Đặng Việt Châu đã cống hiến trọn vẹn cuộc đời cho sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc của Đảng, sự nghiệp xây dựng và phát triển nhiều ngành kinh tế quan trọng của đất nước, đặc biệt là các lĩnh vực: Công Thương, Tài chính, Ngân hàng...".
Thứ trưởng thường trực Nguyễn Công Nghiệp: "... Trong lịch sử gần 70 năm xây dựng và phát triển, ngành Tài chính cách mạng Việt Nam Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đặng Việt Châu, đã để lại cho ngành Tài chính những dấu ấn rất sâu sắc và to lớn... Kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Đặng Việt Châu (2/7/1914 - 2/7/2014), vị lãnh đạo cao cấp của Đảng, Chính phủ; đồng thời nhằm tưởng nhớ vị Bộ trưởng có nhiều đóng góp cho sự nghiệp tài chính cách mạng Việt Nam, Bộ Tài chính tổ chức xuất bản cuốn sách “Đồng chí Đặng Việt Châu - Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng" nhằm vinh danh những đóng góp cho Đảng, cho Chính phủ, cho sự nghiệp tài chính cách mạng Việt Nam của đồng chí Đặng Việt Châu";
PGS. TS. Đinh Quang Hải, Phó Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam trong tham luận “Đồng chí Đặng Việt Châu – người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”,  -  đã tập trung vào những nét lớn trong cuộc đời hoạt động cách mạng cũng như những ảnh hưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với đồng chí Đặng Việt Châu ....

Tham gia các ý kiến tại buổi tọa đàm còn có đồng chí Hồ Tế, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính, đại diện Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Nam Định, Nhà sử học Dương Trung Quốc trình bày tham luận "Đặng Việt Châu và lớp người khai mở"....

II. VÀI NÉT TIỂU SỬ CỦA NGUYÊN PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ, BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH ĐẶNG VIỆT CHÂU

Cuối năm 1930, ở tuổi 16, đồng chí Đặng Việt Châu đã rời ghế nhà trường, trở thành người chiến sỹ cộng sản đấu tranh cho độc lập dân tộc. Tháng 3/1931, chưa tròn 17 tuổi, đồng chí đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng, hoạt động tại cơ quan tuyên truyền của Xứ ủy lâm thời Bắc Kỳ tại Hải Phòng. Cuối năm 1932, đồng chí Đặng Việt Châu bị địch bắt, kết án 5 năm tù, bị giam cầm, tù đày qua hàng loạt nhà lao nổi tiếng tàn ác của thực dân Pháp như Nhà lao Hải Phòng, trại giam Hỏa Lò, nhà tù Sơn La.

Ngay sau khi được trả tự do, tháng 9/1936, đồng chí Đặng Việt Châu đã tham gia thành lập Liên tỉnh ủy lâm thời: Hà – Nam - Thái rồi trực tiếp đảm nhiệm Bí thư Tỉnh ủy lâm thời Nam Định và được Xứ ủy Bắc Kỳ giao phụ trách 4 tỉnh: Nam Định, Hà Nam, Thái Bình, Ninh Bình… Khôn khéo đấu tranh với địch lúc bí mật, khi công khai, đồng chí Đặng Việt Châu đã góp phần xây dựng phong trào cách mạng ở nhiều địa phương miền Bắc không ngừng lớn mạnh.

Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, đồng chí Đặng Việt Châu được Chính phủ giao đảm nhiệm các cương vị Chánh văn phòng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến tỉnh Thanh Hóa, Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính Kháng chiến Liên khu VI. Bước vào giai đoạn quyết liệt của cuộc kháng chiến chống Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã phát hiện ra tài năng tổ chức và quản lý kinh tế của đồng chí Đặng Việt Châu. Từ năm 1950, đồng chí đã được Đảng và Bác Hồ giao đảm nhiệm nhiều trọng trách liên quan đến lĩnh vực kinh tế - tài chính như: Thứ trưởng Bộ Công Thương, Bộ Thương nghiệp, Bộ Ngoại thương (1950-1960); Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (1960-1965); Bộ trưởng Bộ Tài chính (1965-1974); Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trácch khối tài mậu kiêm Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước (1974-1976); Bộ trưởng Bộ Ngoại thương (1976 -1980)...

Ghi nhận những công lao to lớn với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, sự nghiệp kiến thiết và phát triển kinh tế đất nước của đồng chí Đặng Việt Châu, năm 2007, Đảng và Nhà nước ta đã truy tặng đồng chí Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.


III. BÀI PHÁT BIỂU CỦA BÀ ĐẶNG MINH CHÂU...
"HỒI ỨC VỀ CHA TỪ NGƯỜI CON GÁI DUY NHẤT"

Được tham dự buổi hội thảo hôm nay về cha mình là một vinh dự lớn lao và hết sức may mắn đối với tôi .

Trước hết tôi xin trân trọng cảm ơn Ban bí thư , Ban tổ chức Trung ương Đảng , Bộ tài chính , Bộ công thương , các bộ ngành , các địa phương nơi cha tôi từng công tác, tất cả các bác, các anh chị đã tổ chức, đã tham gia buổi hội thảo hết sức có ý nghĩa này. Đây là một dịp có một không hai trong đời nên tôi xin phép được chia sẻ một số cảm xúc, một số hồi ức của mình gắn liền với cha tôi .

Cha ! Mẹ ! Hai tiếng ấy thật thiêng liêng với mỗi người. Bình thường thì ai cũng có những kí ức ngọt ngào đầy ắp tình yêu thương của cha mẹ nhưng với tôi những kí ức đó sao mà thưa thớt, rời rạc, bảng lảng như trong một màn sương bồng bềnh.

Nhớ lần đầu tiên khi tôi chừng 5 tuổi, cha tôi ghé về thăm tôi ở một làng quê thuộc miền trung du Phú Thọ, khi tôi sống với người thím ruột mà tôi coi là mẹ và thường gọi là “bu” như mọi đứa trẻ trong làng. Tôi đứng xa xa, nép mình bên cánh cửa nhìn ông với con mắt lạ lẫm. Cha tôi đâu có được hưởng cái hạnh phúc nhỏ nhoi, bình dị là được con chạy lao vào lòng mừng rỡ ôm chầm lấy, giống như những đứa cháu nội, ngọai của tôi bây giờ thường mừng khi thấy bà đi đâu xa trở về nhà. Chắc cha tôi lúc ấy cũng tủi thân và xót xa trong lòng. Thế rồi sáng hôm sau ông lại phải ra đi.

Hồi tản cư ở Phú Thọ, trong gia đình thím tôi còn có một người nữa mà lẽ ra tôi phải gọi bằng dì nhưng thím tôi bảo gọi bằng chị vì chỉ hơn tôi chục tuổi. Gia đình thím tôi được địa phương cấp tạm mấy sào ruộng để tự cày cấy lấy. Đảm nhận việc cầy bừa, cấy hái chính là người chị đó. Theo thời vụ có lúc tôi theo chị đi nhổ mạ (do tò mò và tập toạng là chính chứ 6 – 7 tuổi thì đã làm được gì đâu). Đến mùa gặt, tôi cũng lấy 2 cái néo cặp lấy một bó lúa nhỏ, tập đập lúa, xay lúa, giã gạo, tôi cũng học theo người lớn tập làm. Chị tôi đi phát nương, trồng sắn tôi cũng đi theo, cố vác lấy một cành cây to đem về nhà làm củi, được chị khen “khỏe thế” tôi rất phấn khởi. Thím tôi có nuôi một con lợn nái để có lợn con bán làm giống lấy tiền, tôi cũng cầm dao tách bóc vỏ sắn để nấu cho lợn mẹ ăn. Ai ngờ lợn mẹ lăn ra chết trong khi lũ lợn con còn đang ngậm vú mẹ .

Tôi nhớ có lần thím tôi mua một thúng cà chua, đem hấp rồi chà qua rá vo gạo thành cà chua bột, bỏ vào chai gửi cho cha tôi vì bà thấy cha tôi gầy gò, chắc ăn uống cũng kham khổ, chẳng có gì. Sau này xem tấm ảnh cha chụp với ông Hoàng Thân Xu Pha Nu Vông, chắc là vào cuối năm 1949 – đầu năm 1950 thì thấy cha gầy lắm. Rồi khi đọc hồi kí của bác Lê Văn Hiến tôi mới biết các thành viên Chính phủ làm việc trong điều kiện rất vất vả; đi họp phải trèo đèo lội suối; cha tôi có lúc suýt chết đuối khi vượt suối lúc nước to. Có lúc các vụ, bộ trưởng phải băng rừng hàng chục cây số trong mưa rét với cái bụng lép kẹp….

Khi tôi vừa chớm 8 tuổi, máy bay Pháp đến làng thả bom bắn phá, tôi và 3 đứa con của thím tôi nhanh chân chạy ra được mé rừng, còn thím tôi vướng víu gì đó, chạy ra sau thì bị dính bom rồi chết cháy, toàn thân co rút lại. Lúc nhìn thấy xác thím tôi nằm chỏng trơ, hai tay hai chân như những cành củi bị cháy dơ chỉ thiên lên trời, tôi không nhận biết được và không hiểu cái gì, cũng không biết khóc. Có lẽ do thần kinh của tôi đã bị chai sạn lại sau một ngày chạy hoảng loạn trong tiếng bom đạn chát chúa, tiếng máy bay gầm rít. Đó là một ngày tiết đông nhưng tôi và các em tôi mỗi đứa cũng chỉ có hai manh áo che thân. Đêm hôm đó trời không thương lại đổ mưa đá. Chúng tôi co ro bên đống lửa trong một cái lán dựng tạm bằng lá cọ.

Hai ngày sau trận bom kinh hoàng đó cha tôi cho người về đón tôi lên cơ quan ông, đóng ở Sơn Dương, Tuyên Quang. Thế là tôi được sống với cha tôi vài tháng, khi thì ở cơ quan ông, khi thì sang bên cơ quan Hội Phụ nữ đóng ở gần Tân Trào, nơi mẹ kế tôi công tác .

Sau mấy tháng ngắn ngủi cha con lại cách biệt nhau, khi tôi được gửi đến trại trẻ của Hội Phụ nữ đóng ở trên vùng núi cao Khe Khao, gần bản Thi, Đầm Hồng.

Sau 2 năm. trước khi gửi tôi đi học xa hơn nữa, ông lại đón tôi về mấy tháng. Những tháng ngày được sống bên cha tôi, tôi thấy ông họp bàn liên miên, hết với người này, lại với người khác, hoặc viết lách đến tận khuya, chẳng mấy lúc rỗi rãi để chuyện trò với tôi. Trong kí ức xa xăm, tôi không có kỉ niệm được ông cho kẹo, hay dẫn đi may cho bộ quần áo mới. Đơn giản chỉ do ông không có thời gian, có lẽ mọi tâm trí ông đã dồn hết cho công việc. Duy nhất chỉ có 1 lần khi tôi lên 10, trước khi gửi tôi đi học xa, ông đưa tôi qua sông đến 1 quầy hàng mà ông bảo đó là cửa hàng mậu dịch (cái từ ngữ nghe lúc đó rất lạ tai) mua cho tôi một mảnh ni lông màu xanh lam để che mưa.

Thế rồi tôi rong ruổi với bạn bè cùng trang lứa đi bộ hàng tháng trời mới đến được Mục Nam Quan – biên giới Việt Trung . Từ đó cha con cứ xa nhau mãi, mỗi lúc một xa hơn. Sợi dây liên lạc duy nhất mang hơi ấm tình cha là những lá thư qua lại. Vậy là cho đến khi tôi 16 tuổi, thời gian được sống với cha, cộng lại chỉ được hơn 6 tháng.

Trong một lá thư khi tôi đã 13 tuổi, tôi hỏi ông “Ba ơi, mẹ đẻ của con tên gì, lý lịch thế nào?”. Đó là khi nhà trường bảo chúng tôi khai lý lịch. Mấy tháng sau, nhận được thư ông tôi mới biết tên, tuổi của mẹ đẻ mình, mới biết mặt mẹ qua ảnh.

Bây giờ chắp nối những bút tích của ông để lại tôi mới biết trên con đường mưu sinh để hoạt động cách mạng, cha mẹ tôi quen biết rồi yêu nhau mới được 1 năm thì mật thám lại rình chộp được ông tại đại lí báo Đời nay, một ngày sau khi chúng bắt được ông Phan Đình Khải. Thế là cha mẹ tôi lại không được ở bên nhau, mọi tình cảm yêu thương đều dồn nén vào những lá thư, những câu thơ gửi về mà cô ruột tôi đến nay vẫn còn nhớ và đọc lại được một hai đoạn. Theo lời dì tôi kể, mẹ tôi có lần 1 mình thân gái dặm trường đã thuê một con ngựa lên tận trại tập trung ở Bắc Mê – Hà Giang để thăm người yêu và mang cho ông 1 ít thuốc chữa bệnh. Tôi không thể hình dung nổi hồi đó đường xá lên Hà Giang thế nào. Và vì sao mẹ tôi, một người con gái ăn mặc tân thời lại dám chọn yêu một người tù chính trị và quyết lên tận nơi rừng thiêng nước độc để thăm và đã chờ đợi. Ba năm sau ông mới được trả lại tự do vì khi mật thám bắt ông chúng không có chứng cớ gì. Sau khi lập gia đình với mẹ tôi và tôi mới được 1 tuổi rưỡi, ông lại ra đi để lại con thơ cho người vợ trẻ và mẹ già 60 tuổi nhờ anh trai chăm sóc. Ông không ngờ rằng chỉ nửa năm sau tức đầu năm 1945 khi nạn đói bắt đầu hoành hành thì mẹ tôi lâm bệnh và qua đời trong nỗi nhớ mong chồng khôn siết và thương con đến nát ruột nát gan .

Có lẽ vì thương vợ nhớ con cho nên sau khi ta có chính quyền và ông làm chủ tịch Vĩnh Yên thì ông mới lấy tên con làm tên mình. Còn trước kia hoạt động ở đâu thì có bí danh ở đấy.

Tại một lá thư đầu năm 1955 ông kể, “ba mới về thăm quê nhà, có đi thăm mộ bà, bà nội con chết trong lúc giặc Pháp càn quét Thái Bình năm 1950, lúc đó ba và các bác, các chú con đều không có ở bên cạnh. Tôi hiểu ra rằng những người thân yêu nhất của cha tôi là bà nội và mẹ tôi đều qua đời khi ông vắng mặt. Hẳn là khi được tin dữ ông đã phải nén chặt nỗi đau trong lòng để tiếp tục công việc của cách mạng .

Trong một lá thư khác ông kể: “Ba đã đón 2 em con về nuôi (đó là 2 đứa con của thím tôi đã mất vì bom đạn) vì các em con vất vả, vừa phải tự nấu cơm, lại phải bế em nữa, ba thương chúng nó cũng như thương con. Con nhớ viết thư cho các em, chúng nó sẽ rất mừng”.

Lá thư cuối năm 1955 ông kể về công việc của mình: “Ba dạo này bận quá nên chậm trả lời thư con, ba làm việc với cả các bác Trung Quốc và cả các bác Liên Xô nữa”. Trong một chuyến công tác ở Liên Xô 1957 , ông tranh thủ ghé thăm tôi khi tôi nằm ở bệnh viện và lần đầu tiên tôi được chụp ảnh với cha mình, có lẽ vì do lần đầu nên tôi cứ bẽn lẽn không dám cười, và không dám nhìn thẳng vào ống kính máy ảnh .

Những năm học cấp 3, tôi được sống bên cha mình ở Hà Nội. Nhớ có lần thiếu vở làm bài tập, tôi lấy kim chỉ đóng ghép các tập giấy lại với nhau làm vở. Thấy tôi loay hoay, cố rít chặt các tập giấy lại, ông bảo: “Con phải làm thế này thì các tập giấy mới khít với nhau”. Thế rồi ông lấy một con dao con , cứa ngang gáy các tập giấy ở vài chỗ , sau đó mới lấy kim chỉ lần lượt xuyên qua từng vết cứa đó rồi mới rít chặt các tập giấy với nhau. Lúc đó tôi mới hay biết là ông rất khéo tay, không những viết chữ rất đẹp, hàng lối ngay ngắn, rất cẩn thận mà còn làm thủ công cũng khéo. Hóa ra, hồi còn bị cầm tù ở Sơn La, nhờ vào sự đấu tranh nên anh em tù chính trị đã dành được 1 số quyền lợi về sinh hoạt, ai cũng cố tìm lấy một công việc thích hợp để làm ra một số đồ dùng gia đình …, đem bán cho đồng bào để lấy tiền cải thiện sinh hoạt và giúp đỡ nhau lúc đau ốm, lúc đó ông đã làm hoa giấy…..

Những khi thư giãn, có lúc tôi thấy cha tôi đi đi lại lại trong phòng say sưa đọc làu làu những bài thơ bằng tiếng Pháp. Tôi hỏi ông: “thơ của ai thế hả ba?”, ông bảo đó là thơ của La Phông Ten, ông được học khi còn là học sinh lớp 3, tôi rất ngạc nhiên về trí nhớ của cha mình. Sau hơn nửa thế kỉ, cha tôi vẫn nhớ giá từng thứ hàng và dịch vụ do anh em tù chính trị ở Sơn La làm ra và được đồng bào chấp nhận (Hồi kí Trường học cuộc đời).

3 năm được sống với cha qua đi cũng rất nhanh. Nhặt nhạnh lại những kỉ niệm về người cha thân yêu của mình cũng chẳng có là bao. Ông luôn luôn bận, còn tôi hồi đó cũng chẳng rảnh rang. Ngoài chuyện bài vở hàng ngày, mỗi tuần 2 buổi tối, tôi cũng như mọi thanh niên hồi ấy còn phải đi vào các xóm lao động, vận động bà con học các lớp bổ túc văn hóa, mà thầy cô giáo là chính chúng tôi. Còn ngày chủ nhật thì cứ cách tuần chúng tôi lại tham gia lao động xã hội chủ nghĩa, hoặc là làm nhiệm vụ phụ trách thiếu nhi, hướng dẫn và cùng vui chơi với các em cấp 1, 2. Rồi còn phải tham gia tập luyện thi đấu bóng chuyền, sinh hoạt các tổ ngoai khóa ở trường …. Do vậy mà tôi được chuyện trò với cha cũng không nhiều.

Hồi đó tôi cũng không biết và cũng không quan tâm cha mình làm công việc gì, ở bộ ngành nào. Chỉ nhớ là có lần ông đi công tác lên Phú Thọ, tôi được ông cho đi theo thăm các nhà máy chế biến chè. Ông hỏi han rất kĩ về qui trình công nghệ, tính năng, công suất các thiết bị sao, chế biến chè, thu nhập của công nhân xí nghiệp, người trồng chè cung cấp nguyên liệu, giá thành sản phẩm ….. Rồi ông cho tôi thăm mộ thím ruột tôi, ghé thăm chuyện trò với con cái ông chủ nhà, nơi gia đình thím tôi ở nhờ thời kháng chiến chống Pháp. Nhớ lại thời gian khó đó, bữa cơm gia đình thím tôi ăn uống chẳng có gì, có lúc thím tôi giã riềng nhỏ rang với muối, ớt làm thức ăn, còn canh chan là nước vối; với lũ con nít thì có vài con tép rang mặn, có lúc thím tôi kiếm được mật ong chan vào cơm cho chúng tôi ăn. Chỉ thi thoảng hoặc những khi chú tôi ghé về thăm hoặc dịp tết thì mới có thịt .

Lên đại học, tôi lại tam xa cha mấy năm. Khi tốt nghiệp thì đất nước bước vào cuộc chiến tranh chống mỹ cứu nước. Tôi tham gia quân đội, đi theo đơn vị đóng ở chân núi Ba Vì. Thỉnh thoảng mới được về thăm nhà vào ngày chủ nhật, được thăm cha trong chốc lát. Có lần ông hỏi tôi: “Đơn vị con đóng ở đâu”. Chấp hành kỉ luật giữ bí mật nơi đóng quân, tôi mô tả quanh co, là đơn vị con đóng ở 1 bản làng người Mường mà nơi đó họ mới di dời đến nhưng họ được nhà nước cho tiền làm nhà, có cả hố xí 2 ngăn, trong bản có vài giếng nước xây hẳn hoi. Ông liền bảo: “Thế thì đơn vị con ở cách sân bay Hòa Lạc không xa”. Hồi đó tôi đâu có biết ông đã là Bộ Trưởng Bộ tài chính, nên bên quốc phòng chi cho các công trình gì và ở đâu thì ông đều biết rõ. Vào những năm khó khăn mỗi người dân được 4 mét phiếu vải, ông đưa những áo sơ mi sờn cổ để tôi lộn lại cổ áo, ông bảo: “Áo dùng vẫn tốt”. Còn quần áo âu phục dùng khi đi công tác nước ngoài thì cha tôi mượn từ kho của bộ Tài Chính. Ăn uống ở nhà cũng bình thường như mọi gia đình, thậm chí có phần đạm bạc, ông chỉ ăn rau luộc hoặc xào với 1 lạng thịt chia 2 bữa và sau mỗi bữa ăn chính thì có thêm quả chuối. Buổi sáng ông ăn 1 cái bánh mỳ và cốc sữa. Ông không quan tâm đến việc được cho ăn những gì. Điều không thể thiếu với ông là những bản tin mật, tin tham khảo đặc biệt, tin nhanh của thông tấn xã Việt Nam và ngoài ra còn có các tờ báo Nhân dân, Quân đội …

Thường thì ông đọc lướt rồi đọc kĩ, có chỗ đánh dấu, có đoạn ông cắt dán vào sổ tay về từng vấn đề cụ thể cho đến những con số mang tính kế hoạch dài hạn, chiến lược phát triển kinh tế xã hội như muốn giữ được mức sống thì khi dân số tăng 1%, GDP sẽ phải tăng bao nhiêu %, cần có thêm bao nhiêu giường bệnh, bác sỹ, trường học, thầy giáo trên một vạn dân…. Bây giờ lật dở các cuốn sổ công tác ông ghi chép từ những năm 50, 51 qua các bộ ngành thương nghiệp, ngoại thương, kế hoạch, tài chính rồi lại ngoại thương và sau này khi ông đã về hưu, tôi vẫn còn thấy rất nhiều những ghi chép từ nông nghiệp, lâm nghiệp, đến công nghiệp, giáo dục đào tạo, xuất nhập khẩu … với các con số giá cả từng mặt hàng lớn qua các thời kì ở các địa phương, ở các khu, các thông số kĩ thuật của các công trình lớn như các nhà máy thủy điện Hòa Bình ….; các số liệu phát triển kinh tế của các tỉnh như Hải Phòng, kể cá các tiềm năng kinh tế các huyện như Thủy Nguyên….

Ông coi trọng việc tổng kết về công tác kinh tế tài chính thương nghiệp qua các thời kì nhất là thời kì đầu trong kháng chiến chống Pháp, cho nên ông đã vào kho tư liệu nhà nước ghi chép lại các số liệu về từng vấn đề qua các năm và đã viết rất nhiều bài tổng kết mà lưu trữ nhà nước coi là những tư liệu quý. Công việc sưu tầm ghi chép được ông làm cho đến đầu năm 1990, trước khi ông qua đời.

Sau khi được nhà nước cho nghỉ hưu năm 1987, cha tôi vẫn đau đáu với tình hình đất nước. Ông không thể nào yên tâm nghỉ ngơi mà vẫn dõi theo nhịp thở của nền kinh tế, các vấn đề bức xúc của xã hội, của đất nước. Có lúc ông viết góp ý trình lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, kể cả góp ý cho văn kiện Đại hội Đảng lần thứ 6, phản ánh và góp ý về cả những vấn đề không thuộc những lĩnh vực kinh tế tài chính nhưng liên quan đến an ninh đất nước. Đôi khi ông bảo tôi đưa lên Văn phòng chính phủ, đánh máy bản nọ bản kia, có lúc ông bảo tôi đưa bài viết sang tòa soạn báo Nhân Dân.

Năm 1989 tôi đi công tác xa và dài ngày. Nói chuyện với con trước khi đi xa lâu lâu, ông kể “Bà nội con chỉ mong ước là suốt đời có đủ gạo và muối ăn, không phải lo chạy hàng ngày”. Cuộc đời con còn dài, trách nhiệm của con nuôi dạy con cháu còn rất dài nên con sống phải biết tiết kiệm, biết lo trước tính sau. Con sang cơ quan mới, môi trường mới, muốn làm việc được, muốn giúp được cho đồng chí Đại sứ và bên thương vụ thì con phải khiêm tốn học tập, đoàn kết hòa hợp với anh em xung quanh, làm việc trong tổ chức và có kỉ luật, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Ông không kể lại gì nhiều, cũng không nói gì nhiều nhưng nhìn vào mắt cha tôi thấy lắng đọng trong đó niềm thương yêu sâu thẳm.

Thật sự khi sống gần cha tôi không biết gì mấy về cha mình. Sau này về hưu khi xem các bút tích, tài liệu ông để lại và đọc các hồi kí của lớp người cùng thời với cha mình, tôi mới biết những nét chính về những quãng đời hoạt động cách mạng của ông. Tôi vô cùng ngỡ ngàng trước những hiểu biết sâu rộng và những đóng góp đa dạng của ông trong các lĩnh vực kinh tế tài chính, công thương nghiệp.

Tôi cũng vô cùng ân hận là đã không hiểu biết gì về bệnh trạng ông mang trong người nên đã nhận đi công tác xa để rồi không được chăm sóc cha những ngày cuối đời mà chỉ kịp về đưa tang ông và mãi mãi không còn bao giờ được cảm nhận tình yêu thương, hơi thở ấm áp của cha mình.

Hội thảo hôm nay đã cho tôi biết nhiều hơn, rõ hơn rất nhiều về cha mình. Tôi xin trân trọng cảm ơn các vị đại biểu đã có những bài viết sinh động và đã dành cho cha tôi những tình cảm sâu đậm.

Với việc kể lại những hồi ức, những cảm xúc của mình tôi chỉ mong góp thêm những nét vẽ và một vài mảng màu còn chưa rõ trong bức chân dung và bức tranh về cuộc đời hoạt động cách mạng của cha tôi.

Tôi xin được trân trọng cám ơn các đại biểu đã tham dự!

Đặng Minh Châu



7 nhận xét:

  1. Cảm ơn blog Internat đã đăng bài phát biểu này của chị Minh Châu về cha mình. Bài phát biểu tại một cuộc toạ đàm lớn nhưng lời văn rất đơn giản, chất phác, như kể chuyện, nhưng được kể từ tận con tim, từ tận đáy lòng, nên vô cùng cảm động. Càng cảm động và thấm thía hơn vì bác Đặng Việt Châu là người bác yêu quí và vô cùng kính trọng của tôi. Tôi cũng có nhiều kỉ niệm về Bác, nhất là những năm học cấp ba ở HN, sau khi học ở Quế Lâm về - thường được đến nhà bác, tôi còn giữ được tấm ảnh cùng mấy anh chị em chụp với Bác trước khi đi học ở Liên Xô. Rồi cũng rất may, đầu năm 1990, trước khi Bác đi xa, tôi được về nước sau bao năm xa cách và được đến thăm Bác, được Bác hỏi han, được yết kiến Bác lần cuối cùng. Đọc bài phát biẻu của chị Minh Châu tôi càng hiểu thêm về Bác, về chị và những thiệt thòi của chị trong tình cảm gia đình – mẹ mất sớm, ít khi được ở gần cha …Xin gửi lời hỏi thăm và chia sẻ với chị Minh Châu, chúc chị luôn mạnh khoẻ, hạnh phúc gia đình với con, cháu nội ngoại, vui mừng chạy ra đón bà khi bà đi đâu xa trở về.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn bạn Đặng Việt Hùng từ Ucraina xa xôi đã đọc và chia sẻ những cảm tưởng về bài Phát biểu của Minh Châu - chị của bạn và những kỷ niệm về người Bác kính yêu của bạn với chúng tôi.

      Xóa
  2. Bài phát biểu về Cha của Minh Châu rất cảm động. Qua đây hiểu và thấy thương bạn hơn.

    Trả lờiXóa
  3. Nặc danh18:00 6/4/14

    Cám ơn Hoàn đã post lên "Ký ức của Đăng Minh Châu về Người Cha yêu quý". Qua đó chúng ta càng hiểu nhau hơn, yêu qúy, thương nhau hơn.
    Thân ái,
    Lê Dũng

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn Lê Dũng đã đọc và có lời chia sẻ.

      Xóa
  4. Chúng ta có lớp cha ông vì dân vì nước -không mảy may " kiếm chác " như vậy và nếu có đường lối đúng nữa thì đất nước ta bây giờphải hơn cả HÀN QUỐC ,SINGAPO .....Tiếc thay !
    Trước mình cứ tưởng Đ V HÙNG lớp ta là con bác Đ V CHÂU,
    Xin thành kính trước vong linh nhà CM chân chính và cảm thông với sự thiếu tình cha vì CM đối với MC.

    Trả lờiXóa

letienhoan@yahoo.com